Bài tuyên truyền chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định lĩnh vực y tế là 1 trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Chương trình cũng nêu rõ quan điểm phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả.
Với năm 2022, định hướng xuyên suốt trong công tác chuyển đổi số là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số. Một trong 22 nhiệm vụ quan trọng về chuyển đổi số Bộ TT&TT đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung là ban hành kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Y tế vừa ra quyết định phê duyệt kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Kế hoạch hướng tới mục tiêu chung là thúc đẩy việc số hóa thông tin chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân thông tin khám bệnh, chữa bệnh để hình thành kho dữ liệu quốc gia về y tế, phục vụ chuyển đổi số ngành y tế.
Tại kế hoạch mới ban hành, Bộ Y tế cũng xác định rõ các mục tiêu cụ thể với từng nền tảng số y tế sẽ được tập trung phát triển và sử dụng trong thời gian tới, gồm: nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử; nền tảng quản lý tiêm chủng; nền tảng hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa; và nền tảng trạm y tế xã.
Cụ thể, với nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử, mục tiêu đặt ra là mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử và dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử phải được cập nhật liên tục, đầy đủ, chính xác, được đối chiếu thông tin hành chính và được kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ngành y tế có các kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe của người dân được quản lý theo phân cấp hành chính phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và thực hiện tổng hợp, phân tích dữ liệu để có các chỉ đạo kịp thời về phòng chống dịch bệnh và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn.
Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử gồm ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử của người dân kết nối các hệ thống thông tin quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử tại các cơ sở y tế và các kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử tại địa phương, đáp ứng đa dạng các yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, khám bệnh, chữa bệnh, đảm bảo không chồng chéo, hiệu quả đầu tư và an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Nền tảng quản lý tiêm chủng cung cấp cho người dân công cụ đăng ký, phản ánh, tra cứu thông tin tiêm chủng; hỗ trợ các cơ sở tiêm chủng triển khai công cụ lập kế hoạch, quản lý vắc xin, thực hiện tiêm và cấp chứng nhận tiêm chủng. Đồng thời, cung cấp số liệu phân bổ vắc xin, số liệu triển khai tiêm phục vụ cho việc quản lý, điều hành chiến dịch tiêm chủng của chính quyền các cấp.
Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa cung cấp dịch vụ hỗ trợ, tư vấn sức khỏe từ xa cho người dân qua ứng dụng di động và các phương tiện công nghệ khác. Mục tiêu là 100% các cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa giúp người dân tiếp cận được dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng hơn, giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên.
Nền tảng trạm y tế xã sẽ cập nhật thông tin hành chính; đối chiếu, kiểm tra giám sát dữ liệu sức khỏe đảm bảo chất lượng công tác khám chữa bệnh của người dân; nắm bắt, quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân theo hộ gia đình trên địa bàn. Kết nối, liên thông dữ liệu với các hệ thống thông tin y tế, cơ sở dữ liệu của các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh, Bộ Y tế.
Kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế được thực hiện theo 3 giai đoạn: trong năm 2022, từ năm 2023 – 2025 và từ năm 2025 – 2030. Trong đó, ở giai đoạn 1, ngành y tế sẽ tập trung thu thập, lưu trữ, quản lý dữ liệu khám chữa bệnh, bước đầu hình thành kho dữ liệu tập trung về khám chữa bệnh, tạo cơ sở dữ liệu lõi cho các nền tảng số y tế. Đồng thời, ban hành quy định về mô hình nghiệp vụ và cấu trúc thông tin nghiệp vụ để thúc đẩy việc hoàn thiện và xây dựng mới các nền tảng số y tế thuộc danh mục các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Với giai đoạn 2, sẽ thúc đẩy triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy; hệ thống lưu trữ và chẩn đoán hình ảnh y khoa tiến tới không sử dụng phim nhựa; đăng ký và tư vấn, khám chữa bệnh từ xa; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt… Còn ở giai đoạn 3, sẽ hoàn thiện số hóa dữ liệu sức khỏe
người dân, hình thành kho dữ liệu y tế quốc gia về hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử, hình ảnh số y khoa…
Bài viết Lê Thị Khẩn Công chức VHXH xã Đức Hợp