Cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh Hưng Yên năm 2023 được triển khai theo kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 15/6/2023 của UBND tỉnh. Ban tổ chức nhận được 126 bài dự thi của tác giả, nhóm tác giả thuộc 18 sở, ban, ngành và 10 UBND cấp huyện trong tỉnh. Nhiều bài dự thi đã thể hiện sự công phu, tâm huyết, mong muốn của tác giả, nhóm tác giả được đóng góp xây dựng nền hành chính của tỉnh tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Xuất phát từ việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử chưa tiện ích với người dùng; Cổng dịch vụ công (DVC) khó tiếp cận với nhóm người khiếm thị, người già, người có khả năng sử dụng công nghệ thông tin hạn chế… Nhóm tác giả là cán bộ, chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công và Kiểm soát TTHC tỉnh đã có giải pháp “Ứng dụng công nghệ trợ lý ảo (Smartbot) để hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện các DVC trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh” tích hợp trên Cổng DVC tỉnh tại địa chỉ: https://dichvucong.hungyen.gov.vn nhằm cung cấp thêm kênh tương tác, hỗ trợ giữa người dùng với các cơ quan cung cấp DVC trên Cổng DCV tỉnh. Đồng chí Bùi Việt Anh, chuyên viên Trung tâm Phục vụ hành chính công và Kiểm soát TTHC tỉnh cho biết: Ứng dụng Smartbot giúp cơ quan hành chính tiếp nhận, giải đáp nhu cầu tra cứu thông tin, hướng dẫn giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi thông qua máy tính, điện thoại thông minh có kết nối Internet và những người khiếm thị, người không giỏi về công nghệ thông tin vẫn có thể thao tác tìm kiếm thông tin, sử dụng DVC thông qua ứng dụng tìm kiếm, trả lời bằng giọng nói. Công cụ này cũng giúp cơ quan nhà nước cải thiện quy trình và chính sách quản lý chuyên nghiệp, hiện đại; giảm chi phí đào tạo và sử dụng nhân lực trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC, tiết kiệm chi phí vận hành; giảm tải công việc cho cán bộ, công chức, nâng cao hiệu suất làm việc của bộ phận Một cửa.
Còn tại xã Cương Chính (Tiên Lữ) xuất phát từ tỷ lệ hồ sơ TTHC tiếp nhận trực tuyến và số hóa kết quả hồ sơ TTHC thấp, không có hồ sơ thanh toán trực tuyến, đồng chí Trần Văn Trung, Công chức Văn phòng – thống kê của UBND xã đã có ý tưởng và tham mưu với UBND xã thành lập Tổ tư vấn, hỗ trợ giải quyết TTHC. 5 thành viên Tổ tư vấn là những công chức phụ trách các lĩnh vực phát sinh nhiều TTHC như: Tư pháp – hộ tịch, Địa chính – xây dựng… sẵn sàng tiếp nhận cuộc gọi, hỗ trợ, tư vấn giải quyết TTHC cho người dân bất kể thời gian nào trong ngày thông qua số điện thoại cá nhân được đăng ký công khai. Từ 1/7/2022 đến 30/6/2023, Tổ tư vấn đã nhận được 56 cuộc gọi, tin nhắn nhờ tư vấn về TTHC; 96 cuộc gọi, tin nhắn hẹn nộp hồ sơ TTHC và có 16 hồ sơ TTHC nộp trực tuyến được tổ chức, cá nhân tự thực hiện, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ có 2 cuộc gọi, tin nhắn nhờ tư vấn… Đồng chí Trần Văn Trung, Công chức Văn phòng – thống kê, UBND xã Cương Chính cho biết: Tổ tư vấn đã giúp Bộ phận Một cửa UBND xã hoạt động linh hoạt, hiệu quả; giúp người dân tiếp cận, sử dụng tài khoản cá nhân để nộp hồ sơ TTHC trực tuyến.
Từ chính nhiệm vụ chuyên môn, nhóm tác giả là cán bộ, chuyên viên của Phòng Tổ chức biên chế (Sở Nội vụ) đã có ý tưởng, giải pháp “Tinh giản biên chế công chức gắn với sắp xếp lại cơ cấu tổ chức và cơ cấu lại đội ngũ theo vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính của tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2023 – 2026”. Bài dự thi của nhóm tác giả đã được Ban tổ chức đánh giá cao bởi những dữ liệu, phân tích thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh, từ đó đưa ra những kiến nghị, giải pháp có tính khả thi cao; đặc biệt là giải pháp điều chuyển, tinh giản đối với công chức dôi dư sau thực hiện tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy; đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý biên chế theo hướng tập trung, thống nhất; cơ cấu lại đội ngũ công chức theo vị trí việc làm, năng lực, trình độ đào tạo; đánh giá, phân loại công chức theo kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Theo Ban tổ chức cuộc thi, trong số 126 bài dự thi, lĩnh vực cải cách TTHC có 43 bài; lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin 40 bài; lĩnh vực cải cách chế độ công vụ 14 bài; còn lại là thuộc lĩnh vực cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước… Có 18 bài thi đạt từ 65 điểm trở lên, trong đó có một số bài thi chất lượng như: Sáng kiến, giải pháp đưa DVC đến với người dân của công chức Nguyễn Ngọc Thương, công chức UBND xã Đức Hợp (Kim Động) đã giúp 100% cán bộ, công chức, người làm việc không chuyên trách của UBND xã và 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên các nhà trường học của xã có tài khoản DVC cá nhân, sử dụng tài khoản DVC để thực hiện các TTHC và khoảng 1.400 công dân trên tổng số 2.450 hộ dân trong xã có tài khoản DVC; sáng kiến Hệ sinh thái chuyển đổi số ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Mỹ của nhóm tác giả Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Mỹ; “Giải pháp nâng cao tỷ lệ hồ sơ TTHC trực tuyến, đẩy mạnh chuyển đổi số góp phần nâng cao các chỉ số nền hành chính” của nhóm tác giả Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh…
Hi vọng, trong những năm tới, cuộc thi sẽ thu hút được nhiều ý tưởng sáng tạo, hiệu quả hơn nữa trong thực hiện CCHC, góp phần giúp tỉnh có được giải pháp tối ưu nhằm xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân phục vụ. 1.2 Quyet định công nhận 2023
(bài viết của Lệ Thu đã đăng trên báo Hưng Yên)
Bộ phận tiệp nhận và trả kết quả Một cửa của UBND xã Đức Hợp (Kim Động)